“I see
In many an eye that measures me
The mortal sickness of a mind
Too unhappy to be kind.
Undone with misery, all they can
Is to hate their fellow man;
– from Poem XLI”
― A.E. Housman, A Shropshire Lad.
Mỗi đứa trẻ từ khi thành hài cho đến lúc trưởng thành được bao bọc rất nhiều trong ánh nhìn của thế giới xung quanh. Chúng được chào đón bởi những nụ cười của người thân yêu và cả xa lạ. Mỗi một bước đi trên đường đời đều được chứng kiến và ghi nhận. Nhưng nụ cười lúc sơ khai đã dần nhường chỗ cho ánh nhìn dò xét, móc mỉa.
Khi người lớn nhận ra đứa trẻ có ý thức, họ không còn quan tâm nó như một em bé nữa. Họ dang cánh sải rộng che đi ánh nắng non nớt, và đứa trẻ bắt đầu biết đớn đau. Họ có thể phán xét đứa trẻ hư hỏng khi nó xỏ dép trái. Họ có thể chê trách nó không thông minh khi nó làm sai phép tính cộng. Họ có thể cho là nó xấu tính khi mà nó chẳng chịu nhường món đồ chơi duy nhất của mình. Rồi họ phán xét bố mẹ đứa trẻ không biết dạy chúng. Mọi người đều cho bản thân đặc quyền làm tổn thương người khác. Và đó trở thành vũ khí tối thượng để khiến từng sinh linh đau đớn tột cùng trong cuộc đời này.
Mỗi chúng ta đều lớn lên trong hình hài của đứa trẻ. Khi còn bé, chúng ta không hề biết làm thế nào để phán xét một người. Chúng ta chỉ đơn giản học cách diễn tả từng yêu, giận, hờn, đau. Chúng ta tìm cách bảo vệ bản thân khỏi nỗi muộn phiền bé bỏng, cùng những nhận xét buông ra vô cớ bởi những người khổng lồ xung quanh. Và rồi, bất giác chúng ta nhận ra để che đi nỗi đau đớn, chúng ta có thể học cách phán xét ngược lại.
Phán xét khiến mỗi người hả hê, khiến họ dẹp bỏ đi nỗi tự ti và buồn bực vô cớ, khiến họ say sưa với cảm giác bề trên. Cũng có thể nó sẽ khiến ai đó càng khép mình lại, xa lánh thế giới, và dằn vặt khôn nguôi. Mỗi một ngày trôi qua đều sống trong những phán quyết từ xã hội, trước mặt và sau lưng. Không có một con đê nào che chở cho mỗi người khỏi những hàng rào lưỡi. Học cách cảm thông là một điều quá khó khăn. Vì vậy, sẽ ổn biết bao nếu mỗi người đều nhìn nhận lại bản thân nhiều thêm một chút. Bắt đầu bằng việc lắng nghe tiếng nói từ nội tại để thấy mình là ai. Sự thấu hiểu xuất phát từ tâm hồn là cách tốt nhất để một người không lạc lối giữa những đo lường phán đoán từ thế giới. Lắng nghe chính âm thanh trong tâm trí giúp mỗi chúng ta hiểu được mình cần gì và mình có gì.
Hoặc chúng ta có thể sống chậm trong vài khắc. Nhìn mỗi sự việc xảy ra mỗi ngày như dòng chảy tự nhiên vốn có, sẽ khiến chúng ta tạm ngưng những khắc khe đối với cuộc đời. Mỗi sự tồn tại và phát sinh trên đời đều được kết tạo bởi nhiều nguyên nhân. Chúng ta không thể vội vàng kết luận chỉ dựa trên những gì chúng ta thấy. Những phán xét vô cớ có thể khiến chúng ta nghĩ mình khôn ngoan, nhưng hậu quả xảy đến với một ai đó là cái chúng ta không lường trước được.
Và lẽ, nụ cười là bảo chứng cho niềm vui. Khi chúng ta cười, thế giới bỗng tốt đẹp hơn, và ánh nhìn cũng xoa dịu đôi phần. Khi một người trao cho một người nụ cười, những phán xét cũng trở nên nhẹ nhàng, và câu nói cũng không còn gay gắt. Không một hình thể nào khác trên đời mang sức mạnh tựa như nụ cười. Vì thế nên, mỗi người hãy tiếp tục sống trên cuộc đời được trải đầy bởi nụ cười, từ bản thân và từ cuộc sống.
“More smiling, less worrying. More compassion, less judgment. More blessed, less stressed. More love, less hate.”
― Roy T. Bennett, The Light in the Heart