Tha thứ, rồi lãng quên

Chúng ta, ít hay nhiều, đã từng nếm trải những tổn thương trong đời sống này. Hệ quả của những thương tổn, có thể thảng qua trong đôi ba tháng, cũng có thể in hằn không sao xóa nhòa. Trái tim ta đau đớn, niềm tin bị đánh cắp, và cảm giác bản thân bị vứt bỏ. Chúng ta hoài nghi về người đấy, sự tin tưởng như lúc ban đầu là điều khó có thể xảy ra, dù đối phương nỗ lực tìm mọi cách để chứng minh đi chăng nữa.

Và thật không dễ dàng, để sau những nỗi đau phải chịu đựng, ta có thể buông xuống một cách vô tư lự, tha thứ cho cơn nhức nhối đã hành hạ tâm trí, và lãng quên để tiếp tục sống một cách hồn nhiên. Ta vừa muốn trốn tránh nỗi khổ sở, nhưng đồng thời chìm sâu trong hình dung một nỗi đau vượt quá cả cảm giác đang hiện hữu. Không có cách nào tốt hơn để kiềm chế cảm giác cô độc sau mỗi khoảnh khắc tan vỡ bằng việc trải rộng lòng mình để soi tường tận nỗi đau, hơn là trốn tránh nó và vỗ về bản thân rằng mọi chuyện rồi sẽ qua.

Nhưng cuộc sống cần tiếp diễn, và dù nỗi đau có cường độ lớn thế nào, chúng ta cũng nên học cách buông bỏ, chấp nhận tha thứ một phần nào đó trong toàn bộ sự việc đã xảy ra, để bản thân được thanh thản, đón nhận điều tốt đẹp đang đến.

Các cách để vượt qua nỗi tổn thương đều bắt nguồn từ tâm trí ta. Chúng ta phải tự vực dậy được bản thân, gợi nhắc sức mạnh của ý chí để từng chút từng chút trở lại cuộc sống bình thường như trước kia.

Chúng ta quyết định tha thứ cho một sự việc, không có nghĩa chúng ta tha thứ cho con người đã tạo ra sự việc đó. Điều đó cũng không đồng nghĩa, sự tha thứ được đồng hóa thành việc chấp nhận hành động tàn nhẫn, xấu xí, ích kỉ mà đối phương đã gán lên ta. Sự tha thứ nghĩa là ta chấp nhận sự việc diễn ra theo quy luật nó vốn dĩ, và việc ta trải qua nó là một bài học tất yếu trong đời. Nó không phải là việc chúng ta đáng phải nhận, chỉ là một lát cắt trong hành trình khám phá cuộc đời của mỗi người.

Chúng ta học cách tha thứ cho sự việc, để tìm thấy ý nghĩa, và bắt đầu tìm đến hạnh phúc ở chương tiếp theo. Và khi học cách tha thứ, chúng ta đừng nên cưỡng cầu một kết cục tốt đẹp sẽ đến, rằng đối phương sẽ nhận ra bài học tương tự, đổi thay hành vi hoặc thái độ. Tha thứ để tập trung nguồn năng lượng trở lại bên ta, khiến ta trưởng thành, cho chính bản thân mình, không vì bất kì ai khác.

Để làm được điều đó, chúng ta cần biết đích xác điều gì khiến mình sẵn sàng từ bỏ tổn thương, để tha thứ, học cách yêu đời tươi sáng một lần nữa.

Tập lãng quên

Thật khó để ngừng nhớ về nỗi buồn, bởi chúng luôn chực chờ trồi lên lúc ta không phòng bị. Ta sẽ cần rất nhiều thời gian để thôi không đánh thức nỗi tuyệt vọng vẫn âm ỉ trong lòng. Mỗi ngày, khi bạn cảm thấy cơn đau đớn chạm đến lồng ngực, hãy thôi thúc bản thân buông bỏ cảm giác ấy ngay lập tức. Điều tiên quyết là cam kết không gợi nhắc đến nó và luôn ý thức về những điều bản thân đang làm.

Nhìn vào điểm tích cực

Đôi khi chúng ta phải nhìn nhận lại những khuyết thiếu của mối quan hệ. Một sự việc đã xảy ra, dẫn đến kết cục không mong đợi, tuy nhiên, nó khiến bạn hiểu rằng đã đến lúc đưa ra quyết định thay vì buông xuôi, để cho những “red flags” hiện hữu nhưng không buồn vứt bỏ. Điều gì làm ta vui, điều gì khiến ta đau? Tình trạng yên tĩnh sau cơn lốc xoáy liệu có nên kéo dài? Một cú chạm đúng thời điểm là một đòn giáng mạnh để lần nữa, chúng ta sắp xếp lại những ngổn ngang, đưa ra quyết định sau sự trì hoãn liên tục.

Chúng ta đều muốn hạnh phúc

Lựa chọn hạnh phúc và mang hạnh phúc đến cho người ta yêu luôn là điều kiện tiên quyết để duy trì một mối quan hệ. Khi tổn thương, chúng ta hướng đến lựa chọn ngôn từ thậm tệ, hoặc phỉ báng, để hạ nhục người kia, để ta thỏa mãn cơn bi khổ của mình. Nhưng ta cũng đau, không hơn không kém.

Khi trở lại nơi trú ngụ an toàn, hãy yên tĩnh cảm nhận, điều gì còn sót lại sau những đổ vỡ, khi ta mong cầu yêu và được yêu, trở lại như ngày xưa, để hạnh phúc cũng như cho nhau một cơ hội. Và nếu không thể, hãy can đảm thoát ra, tìm thấy cội nguồn của hạnh phúc, một lần nữa.

Soi xét bản thân

Giữa nỗi đau, ta cho rằng tất cả là lỗi của đối phương. Và đôi khi, dù ta có cố gắng để thông cảm và thấu hiểu cho hành động ấy, nỗi đau sẽ liên tục trách mắng nếu ta lỡ một phút giây vị tha. Nhưng lúc ấy, hãy cố gắng ôm ấp nỗi đau, thủ thỉ với cảm xúc của chính mình, rằng mình là một phần trong đó. Dù ít hay nhiều, ta đóng một vai trò trong việc hình thành nên câu chuyện và cái kết này.

Hiểu rõ vị trí của bản thân, điều gì đã dẫn đến kết cục không mong đợi sẽ khiến ta rút ra được bài học quý giá, tránh cho những cạm bẫy trong tương lai. Chúng ta không đóng vai nạn nhân, cũng không quy kết trách nhiệm, cảm xúc hoàn toàn của ta lên đối phương, chỉ đơn giản nhìn sự việc đã diễn ra và cố gắng tìm lại chính mình sau mớ hỗn độn điêu tàn.

Những ngày đẹp trời

Tha thứ là điều khó, nhưng không có nghĩa là bạn không thể. Hãy cố gắng tha thứ, và lãng quên. Dù người đó còn trong mối quan hệ, hay đã rời đi, đó cũng là cách ta lựa chọn sau khi trận chiến nổ ra. Chúng ta cho phép hòa bình trở lại, trong tâm trí, để tiếp tục sống cho hiện tại, tin vào điều tốt đẹp đang chờ ta phía trước. Dù thế giới của ta thay đổi thế nào chỉ sau một đêm, hãy nhớ ngày mai luôn là một ngày đẹp trời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *