Có rất nhiều thời điểm, chúng ta cảm thấy kiệt sức với hàng tá vấn đề trong đời:
Chúng ta phải lựa chọn giữa công việc và niềm vui sống, để bản thân đi theo con đường ta nghĩ rằng sẽ khiến mình tự hào trong tương lai.
Đôi khi các mối quan hệ xung quanh khiến ta gục ngã, nhốt mình vào vỏ ốc, trốn tránh khỏi xung đột đang cần được sửa chữa.
Những vấn đề đổ ập đến bất ngờ, sự cô độc không người thấu hiểu, chúng ta từng chút từng chút xoáy bản thân sâu vào trong những cuộc vui thú, phóng túng cơ thể, giải thoát tâm trí khỏi căng thẳng thực tại, đắm chìm vào trạng thái trụy lạc dài đằng đẵng.
Có người ngập trong nợ nần từ vài lần đầu tư, những khoảng không chơi vơi sau mỗi chuyến đi xa, lặng lẽ trở về căn nhà không một ai chờ đón.
Về bản chất, cảm xúc thường dẫn dắt các quyết định trong những tình huống mà chúng ta sợ hãi hoặc muốn tránh. Mọi hành động tự phát đều nhằm giải tỏa những căng thẳng đang tấn công tâm trí.
Hoặc đôi khi, chúng ta cảm giác cơ thể không tồn tại. Hay nói cách khác, bạn không cảm nhận được linh hồn mình, cảm xúc của bạn lưng chừng, vô định, không tìm thấy chốn neo đậu.
Chúng ta có thể làm gì để xoa dịu cảm xúc?
1. Cách tốt nhất là bắt đầu nhìn vào không gian mà chúng ta đang thở. Hãy chậm rãi nhìn xung quanh nơi bạn đang đứng, ngay trong chính giây phút ấy, bình tĩnh tập trung vào đôi mắt, để tâm trí thoát ly. Bắt đầu cảm nhận từng sự vật đang được bày ra trước mắt. Hít vào từ từ, mở rộng lồng ngực, và lắng nghe âm thanh lơ lửng trong không khí.
Một khoảnh khắc thiền định sẽ khiến tâm trí bạn được bình an, phục hồi dòng trạng thái nguyên bản, giảm tải áp lực đang đè nặn trong toàn bộ cơ thể.
2. Viết xuống những trang giấy. Với những người thường xuyên viết, đó là cách dễ dàng để trút bỏ sự rối loạn của tinh thần đang bòn rút sức lực. Mỗi một câu chuyện được kể ra, là cách để chúng ta bao quát được quá trình của vấn đề, đâu là điều khiến ta loay hoay, làm thế nào để thoát khỏi tình trạng mắc kẹt này. Tìm được đầu mối vấn đề là bước đầu tiên để phá vỡ chuỗi rối loạn cảm xúc hỗn độn.
3. Trò chuyện với chính mình. Với những người không đủ can đảm để viết, hoặc lo sợ sự riêng tư bị đánh cắp, hãy thử trò chuyện với chính mình. Nói với bản thân tất cả nỗi đau, cảm giác áy náy, tội lỗi, tức giận, đau đớn, tuyệt vọng. Một cuộc đối thoại rõ ràng, không e dè, trốn tránh, mang lại cho bạn cơ hội để ngẫm nghĩ sâu sắc hơn về những lí do, cũng như cách hành xử đã tạo dựng nên trong suốt sự việc ấy. Hãy kể cho bản thân nghe, trước khi nói với bất kì ai. Vì bạn cần hiểu về quyết định của mình, thay vì phán đoán nó qua suy nghĩ của một cá thể khác.
4. Nhìn lên bầu trời. Dù là đêm đen hay ngày mây xanh, bầu trời vẫn sẽ ở đấy, là vòng lặp tuần hoàn của đất trời. Nhìn lên bầu trời dù chỉ ít phút sẽ khôi phục nguồn năng lượng đã bị hút cạn. Trở về với thiên nhiên luôn là phút giây bình yên nhất để bạn lắng đọng tinh thần bất định, tìm lại sự bình yên trong cuộc sống.
Đây là cơ sở để bạn cảm nhận sự tồn tại của bản thân. Nó không phải là quy tắc để bắt buộc bạn phải tuân theo, cũng không phải là hệ thống hay những thói quen phải được duy trì. Đó là nhận thức cơ bản của bạn về sự tồn tại của rối loạn cảm xúc.
Bạn có thể cảm thấy nó và bắt đầu tin vào nó. Sự biến thiên năng lượng tinh thần vẫn luôn ở đấy. Đó có thể là mặt hồ xanh rộng hay căn phòng tối u ám với những suy nghĩ và cảm xúc chơi vơi. Bạn hãy tin tưởng rằng nó ở đó và cảm nhận nó bất cứ khi nào bạn cần. Mỗi một ngày, lắng nghe cơ thể và suy tư trong lòng, để biết bản thân cần giữ điều gì và thời điểm nên buông rơi.